Kinh doanh bảo hiểm không chỉ là một ngành nghề hấp dẫn mà còn là một cơ hội lớn cho cả các doanh nghiệp và cá nhân đang tìm kiếm cơ hội khởi nghiệp. Tuy nhiên, để tham gia vào lĩnh vực này một cách hiệu quả, bạn cần hiểu rõ các quy định và nguyên tắc cơ bản liên quan đến hợp đồng bảo hiểm. Bài viết này Đại lý Ngoại hạng AIA sẽ giải thích chi tiết về kinh doanh bảo hiểm, các quy định pháp lý quan trọng và cách thức hoạt động của hợp đồng bảo hiểm, giúp bạn có cái nhìn rõ ràng hơn về ngành nghề đầy tiềm năng này.
1. Kinh doanh bảo hiểm là gì?
Kinh doanh bảo hiểm là một hoạt động tài chính quan trọng trong nền kinh tế hiện đại, giúp bảo vệ các cá nhân và tổ chức trước những rủi ro không lường trước được. Theo khoản 2 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, kinh doanh bảo hiểm được định nghĩa như sau:
“Kinh doanh bảo hiểm là hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chấp nhận rủi ro của người được bảo hiểm, trên cơ sở bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm.”
Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và các tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô chịu trách nhiệm bồi thường và trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, dựa trên thỏa thuận trong hợp đồng bảo hiểm. Người mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm để nhận được sự bảo vệ từ những rủi ro đã thỏa thuận.

2. Đại lý bảo hiểm là gì?
Đại lý bảo hiểm là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm, đóng vai trò trung gian quan trọng giữa doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng. Theo Điều 124 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022, đại lý bảo hiểm được định nghĩa như sau:
“Đại lý bảo hiểm là tổ chức, cá nhân được doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô ủy quyền trên cơ sở hợp đồng đại lý bảo hiểm để thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm.”
Điều này có nghĩa là đại lý bảo hiểm không chỉ đại diện cho doanh nghiệp bảo hiểm trong việc cung cấp sản phẩm bảo hiểm, mà còn thực hiện các nhiệm vụ liên quan như tư vấn, hỗ trợ khách hàng lựa chọn gói bảo hiểm phù hợp và xử lý các yêu cầu phát sinh. Đại lý bảo hiểm nhận được thù lao từ doanh nghiệp bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng đại lý bảo hiểm.
Với quy định rõ ràng và chi tiết trong Luật Kinh doanh bảo hiểm, vai trò của đại lý bảo hiểm được xác định rõ, giúp đảm bảo tính minh bạch và quyền lợi cho cả doanh nghiệp bảo hiểm và khách hàng.

3. Giám đốc kênh tổng đại lý bảo hiểm là ai? Điều kiện cần và đủ là gì?
Giám đốc kênh tổng đại lý bảo hiểm là người quản lý cao cấp, đóng vai trò chủ chốt trong việc điều hành và phát triển hoạt động của các kênh tổng đại lý bảo hiểm. Vị trí này đòi hỏi sự kết hợp giữa kiến thức chuyên môn, kỹ năng quản lý và kinh nghiệm thực tiễn trong lĩnh vực bảo hiểm
Theo Khoản 2, Khoản 3, Khoản 4, Khoản 5 Điều 28 Nghị định số 73/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016 của Chính phủ, Tổng Giám đốc (Giám đốc) Đại lý Bảo hiểm phải thỏa mãn các tiêu chuẩn riêng sau:
Có bằng đại học hoặc trên đại học
Các bằng đại học hoặc trên đại học phải được cơ sở đào tạo chính quy cấp, có giá trị pháp lý và giá trị chứng minh trình độ học vấn và chuyên ngành học tập của các cá nhân.
Có bằng cấp hoặc chứng chỉ đào tạo về bảo hiểm do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm được thành lập và hoạt động hợp pháp trong và ngoài nước cấp
Ngoài trình độ học vấn, Tổng Giám đốc (Giám đốc) phải thỏa mãn cả về điều kiện về trình độ chuyên môn, được chứng minh thông qua bằng cấp hoặc chứng chỉ đào tạo về bảo hiểm do các cơ sở đào tạo về bảo hiểm (hợp pháp) cấp. Để có được bằng cấp hoặc chứng chỉ đào tạo về bảo hiểm, các chủ thể phải tham gia học tập tại các trường đại học, cao đẳng, trung cấp có chuyên môn đào tạo về bảo hiểm, hoặc học các khóa học đào tạo chuyên môn bảo hiểm của các chủ thể được cấp phép đào tạo về bảo hiểm.
Có kinh nghiệm làm việc
Tổng Giám đốc (Giám đốc) có tối thiểu 05 năm kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực bảo hiểm, tài chính, ngân hàng, trong đó có tối thiểu 03 năm giữ vị trí người quản trị, điều hành của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm hoặc trực tiếp làm công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo hiểm.
Cư trú tại Việt Nam trong thời gian đương nhiệm
Tổng Giám đốc (Giám đốc) phải có đăng ký thường trú, tạm trú tại Việt Nam, sinh sống và làm việc tại Việt Nam trong thời gian giữ chức vụ Tổng Giám đốc (Giám đốc). Tuy nhiên, Tổng Giám đốc (Giám đốc) có thể không phải là người mang quốc tịch Việt Nam.
Với những tiêu chuẩn trên, Giám đốc kênh tổng đại lý bảo hiểm không chỉ có nhiệm vụ lãnh đạo, mà còn phải đảm bảo sự tuân thủ pháp luật, tối ưu hóa các quy trình và tạo ra môi trường làm việc hiệu quả cho các đại lý bảo hiểm.

4. Hợp đồng bảo hiểm là gì?
Theo quy định tại khoản 16 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (có hiệu lực từ ngày 01/01/2023), hợp đồng bảo hiểm là sự thoả thuận giữa bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô, theo đó bên mua bảo hiểm phải đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô phải bồi thường, trả tiền bảo hiểm theo thỏa thuận trong hợp đồng.
Trong đó:
Bên mua bảo hiểm: là tổ chức, cá nhân giao kết hợp đồng bảo hiểm với doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô và đóng phí bảo hiểm (khoản 24 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).
Doanh nghiệp bảo hiểm: là doanh nghiệp được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 và luật khác có liên quan để kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm, nhượng tái bảo hiểm. Doanh nghiệp bảo hiểm bao gồm doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe (khoản 17 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).
Chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài: là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài, không có tư cách pháp nhân, được doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bảo đảm và chịu trách nhiệm về mọi nghĩa vụ, cam kết trong thời gian hoạt động tại Việt Nam (khoản 19 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).
Tổ chức tương hỗ cung cấp bảo hiểm vi mô: là tổ chức có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, do các thành viên hoặc tổ chức đại diện thành viên thành lập để triển khai bảo hiểm vi mô không vì mục đích lợi nhuận nhằm tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên tham gia bảo hiểm trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ tài chính và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật trong phạm vi tài sản hình thành từ hoạt động bảo hiểm vi mô (khoản 23 Điều 4 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022).

5. Những quy định chung về hợp đồng bảo hiểm đúng pháp luật
Điều 17 Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 quy định hợp đồng bảo hiểm phải có những nội dung chủ yếu sau đây:
– Bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm, người thụ hưởng (nếu có), doanh nghiệp bảo hiểm hoặc chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài;
– Đối tượng bảo hiểm;
– Số tiền bảo hiểm hoặc giá trị tài sản được bảo hiểm hoặc giới hạn trách nhiệm bảo hiểm;
– Phạm vi hoặc quyền lợi bảo hiểm; quy tắc, điều kiện, điều khoản bảo hiểm;
– Quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài và bên mua bảo hiểm;
– Thời hạn bảo hiểm, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm;
– Mức phí bảo hiểm, phương thức đóng phí bảo hiểm;
– Phương thức bồi thường, trả tiền bảo hiểm;
– Phương thức giải quyết tranh chấp.
Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chi tiết các nội dung hợp đồng bảo hiểm đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ và hợp đồng bảo hiểm sức khỏe.

6. Các quy định về cơ sở dữ liệu của kinh doanh bảo hiểm
Để phục vụ hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các bên trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm thì nhà nước cũng quy định về việc xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm.
Trong đó nguyên tắc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm được quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 46/2023/NĐ-CP bao gồm:
– Cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải được cập nhật, duy trì thường xuyên, phục vụ kịp thời công tác quản lý nhà nước về hoạt động kinh doanh bảo hiểm;
– Cơ sở dữ liệu về hoạt động kinh doanh bảo hiểm phải được duy trì hoạt động liên tục, ổn định, thông suốt, thể hiện lịch sử các lần cập nhật, chỉnh sửa thông tin; được lưu trữ, bảo mật, bảo đảm an toàn thông tin;
– Việc xây dựng, quản lý, khai thác và sử dụng Cơ sở dữ liệu về hoạt động Kinh doanh bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm, Luật Công nghệ thông tin, Luật Giao dịch điện tử; quy định về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước; các quy định về bảo đảm bảo vệ đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình, bảo vệ bí mật kinh doanh của doanh nghiệp và các quy định pháp luật khác có liên quan.

Tóm lại, kinh doanh bảo hiểm và hợp đồng bảo hiểm đóng vai trò quan trọng trong hệ thống tài chính hiện đại, giúp bảo vệ quyền lợi tài chính cho cả cá nhân và tổ chức. Việc hiểu rõ các quy định chung của hợp đồng bảo hiểm sẽ giúp bạn bảo vệ quyền lợi hợp pháp và giảm thiểu rủi ro không mong muốn. Hy vọng bài viết này đã cung cấp cho bạn cái nhìn tổng quan về kinh doanh bảo hiểm và các quy định pháp lý liên quan. Nếu bạn đang muốn trở thành 1 Giám đốc tổng văn phòng đại lý & khởi nghiệp trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, đừng ngần ngại liên hệ với Đại lý Ngoại hạng AIA để nhận tư vấn chi tiết và hỗ trợ ngay hôm nay.