Lý do nghỉ việc ở công ty cũ luôn là một trong những câu hỏi khiến nhiều ứng viên bối rối trong quá trình tìm kiếm việc làm mới. Hiểu rõ và biết cách trình bày lý do này không chỉ giúp bạn tự tin hơn mà còn tạo ấn tượng tích cực với nhà tuyển dụng. Cùng Đại lý Ngoại hạng AIA khám phá chủ đề này ngay sau đây.
1. Tại sao nhà tuyển dụng thường hỏi lý do nghỉ việc?
Để đánh giá một ứng viên, nhà tuyển dụng không chỉ quan tâm đến kỹ năng và kinh nghiệm mà còn chú trọng đến lý do bạn rời bỏ công việc trước đây. Đằng sau câu hỏi tưởng chừng đơn giản này là những điều họ thực sự muốn khám phá: liệu bạn có phù hợp, ổn định và có định hướng nghề nghiệp rõ ràng không? Hãy cùng tìm hiểu lý do tại sao nhà tuyển dụng thường hỏi về lý do nghỉ việc ở công ty cũ và những điều họ thực sự muốn biết qua câu trả lời của bạn.
Đánh giá mức độ phù hợp của ứng viên với công ty
Nhà tuyển dụng muốn biết bạn bị sa thải hay tự quyết định nghỉ việc để hiểu rõ hơn về hoàn cảnh ra đi của bạn. Nếu bạn bị sa thải, họ sẽ cân nhắc nguyên nhân và đánh giá xem đó là vấn đề cá nhân của bạn hay do yếu tố khách quan như tái cấu trúc công ty. Ngược lại, nếu bạn tự nghỉ việc, họ sẽ muốn xác định liệu lý do đó có lặp lại tại công ty mới không.
Xác định mức độ cam kết và sự ổn định của bạn
Qua lý do nghỉ việc ở cty cũ, nhà tuyển dụng có thể đánh giá bạn là người kiên định hay dễ thay đổi. Nếu bạn nghỉ việc vì cảm thấy công việc không còn hấp dẫn hoặc muốn thử thách mới, họ sẽ cân nhắc xem bạn có phải là người “cả thèm chóng chán” hay có chí tiến thủ. Điều này giúp họ dự đoán liệu bạn có thể gắn bó lâu dài với công ty hay không.
Hiểu rõ mục tiêu nghề nghiệp của bạn
Câu hỏi này cũng giúp nhà tuyển dụng biết được định hướng nghề nghiệp của bạn và xem xét liệu định hướng đó có phù hợp với hướng phát triển của công ty hay không. Một ứng viên có mục tiêu nghề nghiệp tương đồng với công ty sẽ có xu hướng gắn bó và đóng góp hiệu quả hơn.

2. Top các lý do xin nghỉ việc công ty cũ được chấp nhận cao
Khi trả lời câu hỏi về lý do nghỉ việc tại công ty cũ, điều quan trọng không chỉ là trình bày lý do một cách trung thực mà còn phải khéo léo và tích cực. Dưới đây là những lý do phổ biến được nhà tuyển dụng đánh giá cao, cùng phân tích chi tiết và ví dụ giúp bạn trả lời tự tin hơn trong phỏng vấn.
2.1 Lý do liên quan đến định hướng cá nhân

Muốn phát triển sự nghiệp ở lĩnh vực mới
Một trong những lý do nghỉ việc ở công ty cũ thuyết phục nhất để xin nghỉ việc là mong muốn phát triển sự nghiệp trong một lĩnh vực khác. Điều này thể hiện bạn là người có chí tiến thủ, luôn muốn mở rộng kiến thức và kỹ năng của mình. Trong bối cảnh thị trường lao động liên tục thay đổi, việc học hỏi và trải nghiệm đa dạng giúp bạn trở nên linh hoạt và giá trị hơn trong mắt nhà tuyển dụng.
Ví dụ: Tôi đã có 3 năm làm việc tại công ty X trong lĩnh việc Công nghệ. Tại đây, tôi đã nỗ lực phát triển bản thân và trau dồi bộ kỹ năng cần thiết để xử lý các đầu việc được giao phó. Sau khoảng thời gian dài gắn bó, tôi nhận thấy bản thân không còn nhiều cơ hội phát triển, đồng thời với cơ cấu bộ máy nhân sự hiện tại, rất khó để tôi có thể thăng tiến lên những vị trí cao hơn. Vì vậy, tôi quyết định tìm kiếm một môi trường mới với những thử thách lớn hơn để có thể tiếp tục phát triển năng lực chuyên môn để thăng tiến đến vị trí quản lý cấp cao, đồng thời góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Tìm môi trường phù hợp hơn với giá trị bản thân
Không phải mọi môi trường làm việc đều phù hợp với tất cả mọi người. Có thể bạn đã từng gặp phải vấn đề về văn hóa doanh nghiệp, phong cách quản lý hoặc không tìm thấy sự đồng điệu trong định hướng phát triển của công ty cũ. Điều này hoàn toàn bình thường và là một lý do hợp lý để xin nghỉ việc. Tuy nhiên, khi trình bày lý do nghỉ việc ở công ty cũ này, bạn nên tránh phê phán công ty cũ mà nên tập trung vào việc tìm kiếm môi trường phù hợp hơn để phát huy năng lực.
Ví dụ: Sau một thời gian làm việc tại công ty cũ, tôi nhận ra rằng môi trường làm việc không phù hợp với định hướng phát triển của tôi. Điều này giúp tôi hiểu rõ hơn về giá trị và ưu tiên của bản thân trong công việc. Tôi mong muốn tìm kiếm một môi trường có văn hóa doanh nghiệp chuyên nghiệp, nơi tôi có thể phát huy tối đa năng lực và đóng góp tích cực vào sự phát triển của đội nhóm.
Mong muốn nâng cao kỹ năng hoặc học thêm
Trong thời đại kiến thức luôn thay đổi, việc chủ động học tập và nâng cao kỹ năng là dấu hiệu của một người cầu tiến và luôn muốn phát triển. Nếu bạn nghỉ việc để theo đuổi một khóa học nâng cao hoặc lấy chứng chỉ chuyên môn, nhà tuyển dụng sẽ đánh giá bạn là người có định hướng rõ ràng và cam kết với sự nghiệp của mình.
Ví dụ: Để phát triển sự nghiệp và duy trì khả năng cạnh tranh trong thị trường lao động, tôi đã quyết định theo đuổi chương trình học chuyên sâu về Quản lý Dự án. Do lịch học yêu cầu tập trung cao, tôi không thể tiếp tục công việc. Tôi tin rằng với kiến thức và kỹ năng mới, tôi sẽ đóng góp hiệu quả hơn cho công ty trong tương lai.
2.2 Lý do khách quan, không tiêu cực
Công ty thay đổi cơ cấu, cắt giảm nhân sự
Khi công ty tiến hành tái cấu trúc hoặc cắt giảm nhân sự, điều này hoàn toàn nằm ngoài khả năng kiểm soát của bạn. Đây là lý do nghỉ việc ở công ty cũ khách quan và không phản ánh tiêu cực về năng lực hay thái độ làm việc của bạn.
Ví dụ: Công ty cũ của tôi đã tiến hành tái cấu trúc và cắt giảm nhân sự, trong đó có vị trí của tôi. Dù rất tiếc nhưng tôi xem đây là cơ hội để tìm kiếm môi trường mới, nơi tôi có thể tiếp tục đóng góp và phát triển bản thân.
Thay đổi nơi sinh sống, không tiện đi lại
Khi bạn chuyển nơi ở xa hơn so với công ty, điều này làm tăng thời gian di chuyển và gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như hiệu suất làm việc. Đây là lý do nghỉ việc tại công ty cũ hợp lý và dễ hiểu.
Ví dụ: Do tôi đã chuyển đến nơi ở mới, khoảng cách di chuyển đến công ty cũ trở nên quá xa và ảnh hưởng đến hiệu suất làm việc. Vì vậy, tôi quyết định tìm một công việc gần nơi ở để đảm bảo cân bằng cuộc sống và công việc.
Hết hợp đồng thử việc/ngắn hạn
Nếu bạn đã hoàn thành hợp đồng thử việc hoặc làm việc theo dự án ngắn hạn, đây là lý do rõ ràng và hoàn toàn hợp lý để xin nghỉ. Hãy nhấn mạnh rằng bạn đã hoàn thành tốt vai trò của mình và mong muốn tìm kiếm công việc ổn định, lâu dài hơn.
Ví dụ: Tôi đã hoàn thành hợp đồng thử việc tại công ty cũ. Do nhu cầu nhân sự của công ty không còn phù hợp với chuyên môn của tôi, tôi quyết định tìm kiếm công việc khác để phát huy năng lực tốt hơn.
2.3 Lý do chuyên môn
Một số lý do nghỉ việc ở công ty cũ liên quan đến chuyên môn dễ được chấp thuận như:

Công việc không còn phù hợp với năng lực chuyên môn
Bạn nhận thấy công việc hiện tại không tận dụng hết kỹ năng, kiến thức chuyên môn của mình, khiến bạn khó phát huy tối đa năng lực. Đây là lý do chính đáng và được nhà tuyển dụng đánh giá cao nếu bạn trình bày khéo léo.
Ví dụ: Tôi đã làm việc trong vai trò hỗ trợ kỹ thuật tại công ty cũ, nhưng chuyên môn của tôi là lập trình. Sau một thời gian, tôi nhận ra rằng mình không có nhiều cơ hội áp dụng kiến thức chuyên môn. Vì vậy, tôi muốn tìm một vị trí phù hợp hơn để phát huy kỹ năng lập trình của mình.
Mong muốn có lộ trình phát triển/thăng tiến rõ ràng hơn
Bạn là người có chí tiến thủ và luôn mong muốn phát triển sự nghiệp. Nếu công ty hiện tại không có lộ trình thăng tiến rõ ràng, đây là lý do nghỉ việc ở công ty cũ hợp lý để bạn tìm kiếm môi trường mới.
Ví dụ: Tại công ty cũ, tôi đã nỗ lực hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, tôi nhận thấy không có lộ trình thăng tiến rõ ràng hoặc cơ hội phát triển lên vị trí quản lý. Tôi mong muốn tìm một môi trường có định hướng phát triển nghề nghiệp rõ ràng hơn.
Dự án kết thúc, cần thử thách mới
Nếu bạn làm việc theo dự án hoặc hợp đồng ngắn hạn, việc dự án kết thúc là lý do rõ ràng để bạn tìm kiếm công việc mới. Điều này cho thấy bạn là người linh hoạt và sẵn sàng đón nhận thử thách.
Ví dụ: Tôi đã hoàn thành dự án ABC tại công ty cũ, với kết quả vượt mong đợi. Dự án kết thúc và không còn nhiệm vụ mới phù hợp với chuyên môn của tôi, nên tôi muốn tìm kiếm thử thách mới để tiếp tục phát triển.
3. Những lý do xin nghỉ việc nên tránh đề cập trực tiếp
Khi trình bày lý do nghỉ việc ở công ty cũ trong hồ sơ hoặc phỏng vấn, có một số lý do nhạy cảm mà bạn nên tránh đề cập trực tiếp. Thay vào đó, hãy diễn đạt chúng một cách khéo léo và tích cực. Dưới đây là những lý do cụ thể và cách xử lý phù hợp:
3.1 Mâu thuẫn nội bộ, xích mích với quản lý
Đề cập trực tiếp đến mâu thuẫn với đồng nghiệp hoặc quản lý có thể khiến nhà tuyển dụng đánh giá bạn thiếu kỹ năng giao tiếp hoặc không hòa đồng. Thay vào đó, hãy trình bày rằng bạn đang tìm kiếm môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn hoặc có văn hóa doanh nghiệp phù hợp hơn với giá trị cá nhân của bạn.
3.2 Bất mãn với chế độ lương thưởng
Một trong những lý do nghỉ việc ở công ty cũ tiếp theo mà bạn nên tránh đề cập đến: bất mãn về chế độ lương thưởng. Điều này có thể khiến bạn bị đánh giá là đặt nặng yếu tố tài chính hơn sự phát triển nghề nghiệp. Bạn có thể nói rằng bạn đang tìm kiếm cơ hội mới để phát triển bản thân, học hỏi thêm kỹ năng và đóng góp nhiều hơn cho tổ chức.
3.3 Cảm thấy bị bóc lột/áp lực cao
Chia sẻ rằng bạn cảm thấy bị bóc lột hoặc áp lực cao có thể khiến nhà tuyển dụng lo ngại về khả năng chịu đựng áp lực của bạn. Thay vào đó, hãy nói rằng bạn mong muốn tìm kiếm môi trường làm việc cân bằng hơn, nơi bạn có thể phát huy tối đa năng lực và duy trì hiệu suất làm việc ổn định.
3.4 Bị sa thải (nếu có) – nên xử lý như thế nào?
Bị sa thải cũng là một trong những lý do nghỉ việc ở công ty cũ mà bạn không nên nhắc đến. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp hãy trung thực về vấn đề này nhưng nên khéo léo khi trình bày. Thay vì đổ lỗi, hãy chia sẻ những bài học bạn đã rút ra từ trải nghiệm đó và cách bạn đã cải thiện bản thân sau sự việc. Nhấn mạnh vào sự trưởng thành và sẵn sàng đối mặt với thử thách trong tương lai.

Việc trình bày lý do nghỉ việc ở công ty cũ đòi hỏi sự khéo léo và trung thực. Bằng cách chuẩn bị kỹ lưỡng và chọn lọc ngôn từ phù hợp, bạn không chỉ tránh được những hiểu lầm mà còn chứng minh sự chuyên nghiệp và trưởng thành của mình trước nhà tuyển dụng.